Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Chiếc Máng Cỏ


     Không thể nào nói đến Giáng Sinh mà không nói đến chiếc máng cỏ. Chiếc máng cỏ đã trở thành một trong những yếu tố làm nên lễ Giáng Sinh, cũng như các thiên thần, mục đồng, chiên, bò, lừa, và Ba Vua. Nhưng có lẽ chiếc máng cỏ mang một ý nghĩa đặc biệt hơn, vì nó đã trở thành cái nôi êm ái cho Chúa Hài Đồng. Cũng có thể nói, nó là ngai tòa của Ấu Chúa Giêsu, một chứng từ của tình yêu Thiên Chúa Nhập Thể. 
      Ngài ngự ở đó, đúng ra nằm trên đó với nắm rơm và cỏ khô. Ngài nằm đó để chia sẻ thân phận nghèo nàn của con người. Ngài nằm đó để những con người nghèo nàn như các mục đồng, những người thiện tâm như Ba Vua đến được với Ngài, nhìn Ngài, và bồng ẵm Ngài trên tay. Chiếc máng cỏ thật âm thầm, đơn sơ, nghèo nàn nhưng những ngày đầu trong cuộc đời, Chúa Giêsu lại không thể thiếu nó. Đức Mẹ Maria không thể thiếu nó. Thánh Giuse cũng không thể thiếu nó. Và nó đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong biến cố Giáng Sinh. Thiên thần Chúa đã nói với các mục đồng: “Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vài và đặt nằm trong máng cỏ” ( Luc 2:12)
     Nếu cung lòng Trinh Nữ Maria đã được vinh dự cưu mang Con Thiên Chúa trong chín tháng, thì nơi mà Con Chúa được đặt nằm, và nơi mà Con Chúa ngủ say sau khi đã chào đời, ngoài đôi tay của Mẹ Maria, ngoài tấm lòng của Mẹ Maria, nơi đó là chiếc máng cỏ. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại chọn chiếc máng cỏ? 
     Vì gia đình nghèo. Dĩ nhiên Thánh Giuse và Mẹ Maria là những người nghèo. Nghèo đến độ mọi hàng quán đều chê. Trong những lý do từ chối không cho các ngài ở trọ, cái nghèo là lý do mạnh nhất. Người ta không nghĩ là Mẹ Maria và Thánh Giuse không có lấy một chỗ để ở trong những ngày các ngài lưu lại ở Giêrusalem nếu các ngài có tiền. 
     Nhưng cũng chính vì cảnh nghèo của Thánh Giuse và Mẹ Maria đã đem lại cho chiếc máng cỏ cơ hội được bồng ẳm, được mang lấy Thiên Chúa mặc xác phàm. Nếu nó có thể nói được, thì lời đầu tiên phải là lời cám ơn cái nghèo của gia đình Thánh Gia. Vì nếu Ngài sinh ra trong những lâu đài sang trọng, và ngủ trong những chiếc giường nhung lụa, sang trọng thì những người như các mục đồng, ngay cả Ba Vua cũng chắc gì đã đến được với Ngài! 
    Cái nghèo của gia đình Thánh Gia phải chăng cũng chính là hình ảnh của phần đông nhân loại. Ngay trong thời đại chúng ta, con số những người nghèo cũng vẫn là con số lớn, số đông, số nhiều. Như vậy, việc Chúa sinh ra làm người chính là để tìm gặp những người nghèo khó: Nghèo khó vật chất cũng như nghèo khó trong tâm hồn. Điều này đã được nói đến khi Chúa Giêsu bắt đầu rao truyền sứ mạng cứu thế của Ngài. Ngài đã mở lời chúc phúc ngay người nghèo, và gọi cái nghèo là lý do để chiếm hữu được nước Trời. 
     Cũng có thể vì chiếc máng cỏ vô tri. Sự vô tri của nó nói lên tính chất đơn sơ và khiêm tốn. Cho đến nay, nhiều người vẫn coi Giáng Sinh như một cơ hội mua sắm và lễ hội. Ít ai muốn nhìn biến cố Giáng Sinh bằng cặp mắt đức tin. Chính vì thế, chiếc máng cỏ còn trở thành một nhân chứng của biến cố Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Một chứng nhân âm thầm, một chứng nhân câm nín, nhưng lại là một chứng nhân hùng hồn và rõ ràng nhất mà lịch sử mỗi lần nhắc đến biến cố Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa đã không thể bỏ qua: “Họ (các mục đồng) vội vã ra đi và thấy Maria, Giuse và Hài Nhi đang nằm trong máng cỏ. Vừa thấy các Ngài, họ hiểu ngay những lời đã báo về Hài Nhi” (Luc 2:12).
    Tuy câm nín, nhưng hẳn là chiếc máng cỏ đã cảm thấy được cái hạnh phúc sung sướng và cái sứ mạng lịch sử của mình khi giang tay đón nhận Chúa Hài Nhi. Khi thấy Mẹ Maria và Thánh Giuse đặt Chúa Giêsu nằm trong đó.  Sự yên lặng của nó tạo điều kiện thuận lợi cho Chúa Giêsu nghỉ ngơi và được ngủ những giấc ngủ an bình. Nó không than thở, không phàn nàn, và không kêu ca. Nó cũng không kể lể chuyện này, chuyện khác, và cũng không khoe khoang với người này, người khác là mình được diễm phúc để cho Chúa Hài Đồng ngự, nhưng chỉ muốn là một chứng nhân về tình yêu Thiên Chúa. Ngài là Emmanuel. Ngài đến trần gian để chia sẻ thân phận cùng cực của con người, và nó là dấu chỉ của sự chia sẻ ấy. Vì Ngài cần chiếc máng cỏ, cũng như chiếc máng cỏ cần sự có mặt của Ngài như vậy nó mới trở thành chiếc máng cỏ của Đêm Giáng Sinh, của lịch sử Cứu Độ.  
    Chúa có thể sinh ra ở một nơi khác và được đặt nằm trong một nơi khác không phải là chiếc máng cỏ. Nhưng như vậy thì không còn ý nghĩa của Giáng Sinh, của Nhập Thể, và của lịch sử Cứu Độ. Nhờ máng cỏ mà thân phận hèn mọn của con người được nâng cao. Nhờ máng cỏ mà con người trở nên thân thiết, gắn liền với thân phận Con Thiên Chúa. Và nhờ máng cỏ, nhân loại hiểu được thế nào là một Thiên Chúa hạ mình làm con người. Nhưng để hưởng trọn vẹn ơn phúc của Mùa Giáng Sinh, của Mầu Nhiệm Nhập Thể, mỗi người chúng ta cũng phải là một máng cỏ cho Chúa Hài Đồng.

T.s. Trần Quang Huy Khanh
Chi Dòng Ðồng Công Hoa Kỳ
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét