Mồ côi Cha ăn cơm với cá
Mồ côi Mẹ lót lá mà nằm.
Ba Mẹ là những người thân yêu nhất của con!
Kể từ ngày Ba Mẹ lần lượt ra đi, nó sống những năm tháng lớn lên trong nỗi đau mồ côi. Nó không thể nhớ hết số lần nhễ nhụa nước mắt vì tủi thân, giật mình khi ký ức kinh hoàng của tuổi thơ đột ngột trở về. Vào thời gian này năm trước, nó đã cố gắng gửi một lá thư nhỏ lên Thiên Đường cho Ba. Nó viết cho Ba trước vì Ba ra đi trước Mẹ và sự ra đi của Ba nhẹ nhàng hơn của Mẹ nhiều. Nó cũng muốn viết cho Mẹ lâu lắm rồi nhưng kí ức vẫn còn quá đau đớn, mỗi lần đặt bút xuống, chưa được mấy chữ thì nó lại phải ngưng vì không chịu nổi.
Hôm nay, nó lấy hết can đảm để viết một chút, chỉ một chút thôi. Lớn rồi, ra đời bươn chải nhiều rồi, vậy mà nước mắt vẫn đang tuôn theo tay viết, thổn thức như một em bé. Lý do nó cố gắng viết vì sắp đến ngày Lễ của Mẹ, ngày những người con trên thế giới sẽ tôn vinh mẹ yêu dấu của mình. Nó muốn tặng Mẹ món quà tinh thần này, và nó cũng thấy Ngài muốn nó tâm sự với những người làm con khác để họ biết trân trọng những điều quý giá họ đang có.
***
Lời đầu tiên, nó thành thật xin lỗi sẽ phải dùng dạng kể chuyện gián tiếp bằng từ “nó”, cứ giống như đang kể về một người thứ ba nào đó. Dù cả năm nay đã chuẩn bị, cầu nguyện, nó thấy mình vẫn chưa thoải mái như viết thư cho Ba năm ngoái vì những cảm xúc về Mẹ vẫn còn quá thật, quá mạnh. Xin người đọc thông cảm.
Ngày còn bé, nó “đu” Mẹ lắm. Mẹ đi đâu nó cũng đòi đi theo. Thời đó ở Việt Nam chưa có phi thuyền (giờ cũng chưa có luôn!) mà chỉ mới có… “phi lao”. Nó tự làm một cây phi lao. Đang ngồi hay nằm mà thấy Mẹ đi đâu là nó phi thân theo Mẹ và mấy lần lao đầu…xuống cầu thang chảy cả máu. Bà Ngoại bảo téc đầu mấy lần mà còn thông minh như vậy, nếu không thì…hổng biết sao luôn. Hì hì…. Rồi đến giờ đi học, nó kiếm đủ các lí do để ở nhà chỉ vì muốn ở gần Mẹ. Lúc Mẹ chở đến nơi nó không muốn xuống. Mấy ngón tay bé xíu cứ bám chặt lấy yên sau, có khi Mẹ phải kiên nhẫn gỡ từng ngón tay, gỡ xong ngón này thì ngón kia đã bám chặt lại. Thương Mẹ ghê!
Quấn quýt với Ba Mẹ nhiều như thế, nhưng tuổi thơ bên Ba Mẹ không được là bao. Lúc lên năm, tuổi hồn nhiên bắt bướm, Ba nó ra đi không hẹn ngày về. Năm ngoái, sau 23 năm, nó mới viết được cho Ba để phần nào bộc lộ cảm xúc thật của mình: “Ngày Ba đi, con thấy lòng trống trải…. Thuở bé, cứ đứng nhìn bao đứa trẻ được ba đón đưa hằng ngày mà con ước ao. Tụi nó cứ vô tư kể qua kể lại những câu chuyện về ba với bộ mặt đầy hứng thú nhưng nào biết đến tâm trạng của con đang tồi tệ đến thế nào? Con nhiều lần đã phải bước đi thật nhanh để cố nén những giọt nước mắt như trực trào ra. Con nhớ Ba!… Ba ơi, Ba ra đi đau lắm phải không Ba? Người ta đã mổ sọ của Ba vì Ba bị chấn thương sọ não. Ba ra đi không nhắm mắt. Mọi người trong gia đình cố gắng vuốt mắt cho Ba nhưng Ba không đành lòng ra đi vì Ba không muốn để lại vợ góa con côi. Vì con trùng tuổi với Ba nên lúc liệm, con không được đứng gần. Sau khi mọi sự gần như hoàn tất, Mẹ bế con lên nhìn Ba lần cuối. Mẹ để tay mẹ lên mặt Ba, tay con trên tay mẹ và cùng vuốt mặt Ba. Lúc đó Ba mới nhắm mắt và thanh thản ra đi.”
Chưa đầy một năm sau đó, vào một buổi sáng định mệnh, Mẹ chở nó đi học như thường lệ. Mỗi ngày Mẹ thường cho nó một trăm đồng để ăn sáng. Nhưng hôm ấy Mẹ đưa cho nó một ngàn đồng. Nó tưởng Mẹ không có tiền lẻ nên đưa như vậy. Nó tính sẽ đưa lại cho Mẹ chín trăm lúc đi học về. Mẹ ôm nó, chờ cho nó vào lớp, ngồi xuống hẳn hoi rồi mới đạp xe về. Ánh mắt Mẹ nhìn nó sáng hôm ấy có một điều gì như tiếc nuối. Đến chiều, vừa đi học về, người ta bảo nó vào bệnh viện gấp thăm Mẹ. Nó vào. Nó gặp Mẹ. Ánh mắt Mẹ chiều hôm ấy nhìn nó thật thân thương. Nhưng chỉ được một phút. Đó là ánh mắt cuối cùng của Mẹ.
Trong vòng chưa đầy một năm, con bé nhỏ xíu phải hai lần cầm di ảnh của Ba và Mẹ là những người thân yêu nhất. Nhà nghèo và chật quá không có chỗ để quan tài nên phải mang Mẹ lên chùa gửi. Ai đến viếng cũng bật khóc khi nhìn thấy con bé nhỏ xíu hoang mang giữa dòng đời mồ côi.
Những ngày tháng sau đó, nó sống với Bà Ngoại nhưng cứ gọi Bà là Mẹ: “Mẹ ơi con đi học”, “Con mời Mẹ ăn cơm”,… Khi đã nhận diện được những gì đã xảy ra, nó bắt đầu cảm thấy lạc lõng, tủi thân. Nó sống khép kín. Ít nói hẳn đi. Có lẽ vì nó sợ. Mỗi lần có ai hỏi thăm đến Mẹ, nó chưa kịp trả lời thì nước mắt đã ướt đẫm….Hic, mắt nó lại ướt nữa rồi. Nó xin được đổi sang khía cạnh ít chạm đến cảm xúc hơn chứ không thì….!
Những ngày tháng sau đó, nó sống với Bà Ngoại nhưng cứ gọi Bà là Mẹ: “Mẹ ơi con đi học”, “Con mời Mẹ ăn cơm”,… Khi đã nhận diện được những gì đã xảy ra, nó bắt đầu cảm thấy lạc lõng, tủi thân. Nó sống khép kín. Ít nói hẳn đi. Có lẽ vì nó sợ. Mỗi lần có ai hỏi thăm đến Mẹ, nó chưa kịp trả lời thì nước mắt đã ướt đẫm….Hic, mắt nó lại ướt nữa rồi. Nó xin được đổi sang khía cạnh ít chạm đến cảm xúc hơn chứ không thì….!
Có một điểm nổi bật về Mẹ mà nó nhớ rất rõ. Đó là lòng nhân hậu của Mẹ. Nó tự hào về Mẹ lắm và học gương sống quảng đại hay giúp đỡ mọi người của Mẹ. Chòm xóm nói rằng Mẹ nó có một ngoại hình duyên dáng, đây là một điều hiển nhiên, nhưng tấm lòng nhân hậu của Mẹ còn rõ hơn. Cuộc đời Mẹ nghèo không có của cải vật chất để lại cho con nhưng nó được thừa kế tài sản vô giá là lòng cảm thương người của Mẹ. Cảm ơn Mẹ! Nó hạnh phúc về điều ấy.
Mẹ ơi, lúc này Mẹ đang cùng Ba làm gì trên Thiên Đường Mẹ nhỉ? Chắc Ba Mẹ đang nói chuyện về đứa con gái nhỏ của mình còn nơi dương thế. Ba Mẹ nhớ dẫn dắt bước đường đời con, giúp con đi theo Ngài cho trọn vẹn nha. Con muốn Ba Mẹ tự hào về con. Ba Mẹ hãy yên tâm!
***
Ngày lễ mẹ gần về rồi. Mẹ ơi, con nhớ Mẹ.
Mẹ ơi, Mẹ có biết gì không?
Mẹ có biết là con yêu Mẹ nhiều lắm không!
Viết cho Mẹ nhân ngày giỗ Mẹ 09 tháng 11 năm 2013 (DL).
Mẹ ơi, Mẹ có biết gì không?
Mẹ có biết là con yêu Mẹ nhiều lắm không!
Viết cho Mẹ nhân ngày giỗ Mẹ 09 tháng 11 năm 2013 (DL).
Con gái của Ba Mẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét